5/6/09

“Văn hóa cà phê” nơi Đất Mũi Cà Mau

Thưởng thức cà phê không đơn thuần là để giải trí, mà cà phê còn là một nét văn hóa không thể thiếu của nhiều người, trong đó có người dân Cà Mau. Khi cuộc sống ngày càng bận rộn thì vai trò của cà phê càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống thường nhật, nhất là đối với giới mày râu. Cà phê không chỉ để giải khát mà nó đã trở thành một “nét văn hóa ẩm thực” đa tính cách.


Cà phê sân vườn


Ngay trung tâm thành phố Cà Mau có rất nhiều những quán
cà phê sân vườn được trang trí rất đặc trưng Nam bộ.

Ngày nay, với sự cạnh tranh khốc liệt, quán cà phê mọc lên vô số, với rất nhiều loại hình khác nhau, cách trang trí, bày biện cũng phong phú, độc đáo, tạo nên một không gian văn hóa. Tuy nhiên “văn hóa cà phê” ở Cà Mau có những đặc trưng riêng. Có những quán cà phê chỉ uống một lần, khách khó có thể quên được. Thử dạo quanh trên các đường phố như Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Tất Thành... chỉ tính riêng cà phê có đến vài trăm quán. Từ cà phê cóc, vỉa hè dành cho giới bình dân, đến cà phê phòng lạnh, ca nhạc, đờn ca tài tử, hát với nhau, cà phê sân vườn, cà phê võng và có cả cà phê “đèn mờ” dành cho những cặp tình nhân...

Thành phố Cà Mau đi chưa mỏi chân đã hết, vậy mà có số lượng quán cà phê nhiều như vậy, cho thấy người dân Cà Mau “nghiện” cà phê đến dường nào. Một số quán cà phê ca nhạc, ca tài tử thu hút nhiều khách như quán cà phê Tụ điểm sinh hoạt văn hóa (Trung tâm VHTT tỉnh Cà Mau), ở đây, hàng đêm đều có chương trình nghệ thuật với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ, tài tử nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Khách cũng có thể tham gia vào chương trình hát cho nhau nghe, đây là một loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính xã hội hóa rất hiệu quả. Không những thế, ngay trung tâm thành phố có những quán cà phê vườn nổi tiếng như: Tâm Giao, Đào Viên, Hùng Vương, bờ hồ Vân Thủy... mỗi quán đều có một phong cách kiến trúc riêng để thu hút khách. Bên cạnh những quán cà phê vườn dân dã là những quán cà phê máy lạnh sang trọng như: Mai Vàng, Ánh Nguyệt, Hoàng Gia, Besst...


Quán cà phê Tâm Giao rất thích hợp cho những người có tuổi, không thích những nơi ồn ào, sôi động, họ thường tìm đến những góc quán có không gian trầm lắng, nhẹ nhàng, thông thoáng để trải lòng với những tách cà phê, đắm mình trong những ca khúc dịu êm, hoặc hòa mình với thiên nhiên thư thái bên giỏ lan, hồ cá...

Cà phê máy lạnh, khách thường là những doanh nhân, trí thức, họ đến vừa thưởng thức cà phê, vừa họp bàn công việc.

Quán cà phê ở Cà Mau lúc nào cũng đông khách, nhất là về đêm, thành phố Cà Mau càng sôi động và náo nhiệt hơn. Những quán cà phê như: Đông Phương, Thái Thịnh, Sử... (đường Nguyễn Trãi, P.9); Thanh Hùng (quán chùa, P.2), cà phê 24, Tân (P4), Xưa & Nay (P.6, P.9)... khách nườm nượp. Khách ở đây đa số là thanh niên, họ thường đi theo nhóm. Còn những quán cà phê máy lạnh, khách thường là những doanh nhân, họ đến vừa thưởng thức hương vị cà phê, vừa họp bàn công việc. Những người đàn ông có tuổi, người mang nhiều tâm sự hoặc sống hướng nội không thích những nơi ồn ào, sôi động, họ thường tìm đến những góc quán có không gian trầm lắng, nhẹ nhàng, thông thoáng trong ngõ sâu hoặc trên những con phố vắng người để trải lòng với những tách cà phê, đắm mình trong những ca khúc dịu êm hoặc hòa mình với thiên nhiên thư thái bên giò lan, hồ cá...

Quán cà phê sân vườn với đủ loại trái cây rất
hấp dẫn du khách.
Dân “cà phê” ở Cà Mau trăm người trăm ý, nhưng có chung cái “gu” cà phê, đó là đa số chỉ thích uống cà phê chế biến tại quán, những loại cà phê bột chế biến sẵn có thương hiệu lại ít khi dùng. Những quán có tiếng đều có bí quyết chế biến cà phê riêng, làm cho khách hàng “nghiện” luôn hương vị cà phê của quán mình. Thưởng thức cà phê mỗi người với mức độ “ghiền” khác nhau tùy theo lứa tuổi, tùy theo sức khỏe. Nhưng cũng có người không ghiền cà phê mà ghiền quán, nghiền chỗ ngồi, và tất nhiên là ghiền bạn.

Bên cạnh những lợi ích cho sức khỏe, cà phê còn là một nét văn hóa độc đáo, là nơi giao lưu gặp gỡ bạn bè, là nơi bàn bạc công việc hoặc đọc báo buổi sáng. Tất cả đã trở thành thói quen không thể thiếu của người dân nơi thành phố trẻ cuối trời Nam.
HUỲNH LÂM
Theo: Báo ảnh Đất Mũi

Sốt ruột với cà phê Việt Nam

Những thực khách Sài Gòn yêu chuộng cà phê và có sức hút "vọng ngoại" bây giờ đã có nhiều cơ hội hơn để thưởng thức các loại cà phê "kiểu phương Tây". Chỉ trong vòng hai tháng qua, tại Sài Gòn đã xuất hiện thêm 2 thương hiệu cà phê quốc tế danh tiếng là Coffee World và Coffee Bean. Bên cạnh đó, Gloria Jeans cũng thể hiện rõ khát vọng chinh phục khi mở thêm một quán "hoành tráng" nữa ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Đó là chưa kể những Angel-in-us, Bud"s Cream... hay các mô hình, thương hiệu ẩm thực nước ngoài khác có bán cà phê trong thực đơn. Tất cả các thương hiệu này đều có sẵn những kế hoạch mở rộng chuỗi của mình một cách quyết liệt, không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều thành phố khác của Việt Nam. theo thông tin thị trường , vẫn còn nhiều nhãn hiệu quốc tế nữa, về ẩm thực nói chung cà phê nói riêng, đang ngấp nghé bước vào. Như vậy rõ ràng thị trường quán cà phê Việt Nam đã chính thức bị "tuyên chiến". Đất nước xuất khẩu cà phê hạt thứ 2 thế giới đã trở thành thị trường mới cho các nhãn hiệu bán "phong cách uống cà phê", "văn hoá cà phê".

Trong bối cảnh đó, các thương hiệu cà phê Việt Nam thì sao? Ngoại trừ Highlands được đánh giá là bậc lên khá tốt trong mấy năm gần đây, song vẫn chưa tạo được độ phủ rộng và độ vững vàng của một thương hiệu lớn thực sự, thì hầu như không có thương hiệu quán cà phê nào xứng đáng dẫn đầu, tạo nên những trào lưu mới tại TP.HCM và các thành phố lớn trong nước, chứ chưa nói chuyện đi ra nước ngoài. Trung Nguyên trong mấy năm gần đây đã thể hiện vài nổ lực đổi mới, song hệ thống quán nhượng quyền này được đánh giá là "đề mốt", thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu về tiện nghi, hình ảnh, dịch vụ cho một tầng lớp khách hàng mới. Các thương hiệu khác như Windows, Zenta, Cát Đằng... dù đông khách, song số lượng quán còn hạn chế, nên tầm ảnh hưởng của thương hiệu không thực sự đậm nét trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Một thực tế không thể chối bỏ là "cà phê kiểu Việt Nam" rất ngon. Thức uống đó thực sự là "number one" trong lựa chọn của người yêu cà phê bản địa. Hơn nữa, những người nước ngoài cũng rất thích uống "cà phê kiểu Việt Nam". Những cụm từ như "cà phê sữa đá", "cà phê đá", "đen đá", "nâu đá",... thuộc dạng từ vựng phải nằm lòng của nhiều người nước ngoài tại Sài Gòn hay Hà Nội. Thế nhưng, không thực khách nào cả ngày đề chỉ uống một loại thức uống. Hơn nữa cà phê kiểu Gloria Jeans, Coffee Bean, Coffee World... là những thức uống dễ gây thương nhớ. Trước đây, khi chỉ mới có Gloria Jeans xuất hiện, đã có những thực khách Sài Gòn yêu thức uống này đến mức "có lúc thèm quá giờ trưa mà phải chạy từ Phú Nhuận xuống Đồng Khởi mua một ly mang về văn phòng uống". Và hơn nữa, những thương hiệu này không chỉ bán cà phê đơn thuần, mà đang mang những phong cách sống, giá trị văn hoá mới mẻ. Hàng quán của họ luôn sang trọng, tiện nghi, nằm ở những vị trí rất thuận tiện, đẹp đẽ. Vào những quán cà phê đó còn là còn là cơ hội để gặp gỡ và thể hiện mình. Trong trào lưu hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy văn hoá quốc tế, giới trẻ Việt Nam nói riêng và thực khách yêu cà phê nói chung rất cần những giá trị này. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những hàng quán kia thường "đắt như tôm tươi" ngay cả khi chưa khai trương chính thức.


Cà phê Việt Nam đã và đang được ấp ủ tham vọng trở thành một sản phẩm chủ lực tạo thế cạnh tranh hay gây tiếng vang cho thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng và dư luận xã hội đã theo dõi, ủng hộ và chờ đợi những dự án, những thương hiệu, những con người mang tham vọng đó. Nhưng dường như tiến độ quá lâu đã khiến những đôi mắt ngóng trông mỏi mệt và thất vọng. Trong lúc mình chưa đi ra nước ngoài mạnh mẽ bằng những sản phẩm co hàm lượng văn hoá hay giá trị tăng, cũng chưa vững chải trên mảnh đất mình, thì "người ngoài" đã ầm ào kéo tới, với thế lực và phương pháp chinh phục khác hẵn.

Thị trường thời toàn cầu hoá không chờ đợi hay nhân nhượng ai, cà phê Việt Nam ơi!

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Cà phê vỉa hè ở Sài Sòn

Cà phê gì mà lạ, người uống đến thì tự pha chế, uống xong tự rửa ly, gây ngạc nhiên cho những ai lần đầu đến đây. Thật ra, đó là việc làm của những cô cậu sinh viên uống cà phê, giúp đỡ người đàn ông mà họ gọi là bố, quán chỉ có một mình nên ông làm từ A đến Z.
"Bố ơi! cho con một bạc xỉu", "Bố ơi! cho con vào sổ nhé", "Bố ơi! vợ con ra chưa?"... Tiếng gọi thân thương mà khách uống cà phê bên thềm Nhà hát thành phố thuộc quận 1, TP HCM gọi người đàn ông trung niên, kiệm lời nhưng thân thiện, ông bán cà phê ở đây đã gần 25 năm.

Chủ quán pha cà phê cho khách.
Gọi là quán nhưng đâu phải, ông mượn tạm bậc thềm nhà hát lớn làm chỗ ngồi cho khách. Một chỗ ngồi lý tưởng dành cho sinh viên nghèo ít tiền, giá đồ uống ông chỉ lời 1.000 tới 2.000 đồng mỗi ly và nhiều khi khách nợ không đếm xuể nhưng có ai nỡ xù của ông bao giờ.

Quán của ông được giới sinh viên truyền tụng là quán cà phê cóc: Sang, rẻ và thoải mái nhất Sài Gòn, chẳng may hết tiền bạn vẫn có thể uống cà phê của bố với tâm trạng rất vui vẻ. Sang ở chỗ nếu may mắn bạn còn có thể được nghe nhạc ngoài trời miễn phí do các nhạc công của nhà hát thành phố biểu diễn, và thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp những nhân vật nổi tiếng đi ra từ Caravell. Còn "wifi chùa" thì sóng cực mạnh, và bạn còn có thể học tiếng Anh nếu như không ngại bắt chuyện với những vị khách ngoại quốc cũng thích cà phê.

Một góc vỉa hè là nơi khách tìm đến tìm những phút giây thư giãn.
Vào khoảng 8h tối, là thời điểm ông lục đục xếp đồ ra bán cho đến khuya. Thậm chí, khi có đứa nào buồn và gặp chuyện không vui ông đều ngồi chia sẻ cho tới sáng. Sài Gòn thật lạ, hiếm nơi nào ta có thể tìm đủ dư vị của cuộc sống: sự vồn vã bon chen, sự lắng đọng, tương phản đối lập của những nhà hàng, khách sạn sang trọng bậc nhất, bên cạnh nó lại tồn tại một quán cóc, bạn sẽ bất ngờ khi thấy một chiếc Luxus, hay Camry 3.5 đậu ở quán, bởi họ là những người một thời từng gắn bó với bố, nay thỉnh thoảng ghé qua.

Ông bán ở đây đã được 25 năm có lẻ rồi, biết bao lượt khách đa số là sinh viên, phần lớn đã ra trường, ông không thể nhớ hết, nhưng nhiều người nhớ ông khi có dịp về Sài Gòn, đều ghé qua, người tặng quà, đôi khi chỉ là một lời hỏi thăm, ông cũng ấm lòng, sự ấm áp của tình người đã xoá bớt đi sự cô độc.

Tiến Đề
Theo: Ngôi Sao

Phố cà phê Hà Nội

Việt Nam ngày càng thu hút nhiều du khách. Hương vị cà phê VN cũng ngày càng tăng lực quyến rũ họ.

"Chỉ cần nhìn các poster du lịch VN trong Métro ở Paris là tôi đã bị quyến rũ, muốn được bay đến đo ngay", một nữ quản trị viên người Đức làm việc cho cơ sở sản xuất của Hãng Airbus ở Toulouse, miền Nam nước Pháp nói. Cô nhắc đến chương trình quảng bá du lịch biển Việt Nam tiến hành bởi Vietnam Airlines và ngân hàng BIDV hồi cuối tháng 4 năm 2009.

"Trên chuyến bay đến Paris, tôi đọc được một bài rất hay về Hà Nội. Tôi sẽ phải lên kế hoạch du lịch đất nước của bạn", giám đốc một công ty quan hệ đại chúng ở New Delhi kể. Đó là bài Làn hơi tươi mát Hà Nội, đăng trong Air France Magazine, số tháng 5/2009.

"Mấy người bạn ở đảo Réunion mới trở về sau một tháng du lịch VN. Họ thích lắm, nói rằng Việt Nam là một đất nước rất đẹp. Tôi sẽ thu xếp để có được một lần khám phá Sài Gòn, Hà Nội, Phnom Penh và Vientiane", một đồng nghiệp của ông ở đảo quốc Maurice nói.

Vâng, du lịch VN bây giờ rất nổi tiếng, đã "cám dỗ" rất nhiều cư dân địa cầu. Và từ du lich, ẩm thực VN bây giờ cũng được nhiều du khách ngoài quốc chú ý, đặc biệt là cà phê.

"Tôi nghe nói cà phê VN rất thơm ngon, uống một lần là nhớ, là ghiền và rằng ở Hà Nội có cả một con đường với rất nhiều quán cà phê. Tôi muốn có dịp được nếm thử hương vị cà phê", là tâm sự của một nhà báo Mỹ khá lớn tuổi, chuyên về hàng không. Nếu không lầm thì ông ta đã biết đến danh thơm của cà phê VN sau khi đọc bài mô tả "Coffee Street" đăng trên nhật báo The New York Times hồi tháng 3/2009.

Phố cà phê được mô tả trong bài viết ấy chính là phố Hàng Hành ở Hà Nội. Như nhiều con đường thuộc 36 phố phường Hà Nội đã "thay da đổi thịt" kinh doanh các mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của người dân thủ đô. Phố Hàng Hành nay không còn nặng mùi hành mà thơm lừng mùi cà phê. Các sạp bán đủ loại hành đã nhừng chổ cho đủ loại quán cà phê, điểm tập trung của "tây balô", thương nhân và thanh niên.
Quán cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân

Còn cà phê Việt gây chú ý nhất là cà phê chồn của Trung Nguyên, được một số du khách Mỹ gọi đùa là "rodent coffee" (cà phê loài gặm nhấm) hoặc cố tình độc trại loại cà phê nổi tiếng của Ý "cappuccino" thành "crappuccino", tạm dịch là "cà phê căn bã". Tác giả khen cà phê chồn hơn hẳn các loại cà phê lạ lẫm mà những chuyên gia cà pha cà phê (barista) ở các quán Starbucks vẫn thường pha chế cho khách hàng Mỹ.

Tác giả giới thiệu cà phê chồn và 8 loại cà phê đáng nếm thử khác trong mốt quán cà phê trung Nguyên ở số 61 Đinh Tiên Hoàng, gần hồ Hoàn Kiếm. Và không quên nhắc đến những "địa danh" cà phê khác, gồm Dăk-Linh café, cafe Nhân số 23 phố Bảo Khanh, Âu Lạc, số 57 phố Lý Thái Tổ, gần khách sạn Sofitel Motropole, nơi ông Charlie Chaplin (danh hài Charlot) đã trải qua một tuần trăng mật với vợ mới cưới Paulette Goddard khiến ở đây có ngay cocktail mang tên ông khá nổi tiếng. Công thức pha chế cocktail Charlie Chaplin gồm 1/3 rượu đào, 1/3 gin và 1/3 nước chanh tươi.

òn trong bài giới thiệu Hà Nội đăng trong tờ Air France Magazine, nhà báo người Pháp O.Frébourg viết rằng, cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân là không gian thưởng thức cà phê Việt theo kiểu lâu đời hiếm có còn sót lại. "Ở Hà Nội, cuộc sống cuồn cuộn trôi, mọi thứ đều thay đổi thậtnhanh chóng nên các quán cà phê là những hòn đá nơi người ta bám niu` để không bị cuốn trôi". Ông ta nhận xét.

Khôi Lĩnh
Theo: Doanh Nhân Sài Gòn

Cà phê Hà Nội

Người Việt có thói quen uống chè và nước vối. Thế nhưng ngày nay, các quán nước chè vỉa hè một thời ở Hà Nội đang mất dần và thay vào đó là các quán cà phê. Cà phê do người Pháp mang đến Việt Nam nhưng người Hà Nội lại tiếp nhận nó theo cách của mình để tạo ra thứ văn hóa cà phê riêng.


Cùng với vũ khí và lòng tham khi xâm chiếm thuộc địa, lính Pháp còn mang theo cả cà phê trong cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858. Ngay sau khi chiếm được thành phố này, trong căng tin của đám thực dân đóng ở cảng đã bán cà phê. Điều đó cũng dễ hiểu vì cà phê đã nhuộm cả châu Âu, đặc biệt là Pháp, Anh và Hà Lan từ thế kỷ thứ XVII. Theo cố nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam, năm 1864, Sài Gòn xuất hiện 2 quán cà phê đầu tiên do người Pháp làm chủ là Lyonnais (trên đường Lý Tự Trọng ngày nay) và Café de Paris (nằm trên đường Đồng Khởi ngày nay). Cà phê đến Hà Nội muộn hơn, tất nhiên là cũng theo chân đám lính Pháp ra tấn công thành Hà Nội lần thứ 2. Sau khi chiếm được Bắc thành năm 1882, năm 1883 ở phố Thợ Khảm (nay là phố Tràng Thi) xuất hiện quán cà phê đầu tiên. Báo Tương lai Bắc Kỳ số ngày 5-8-1885 viết “Từ 1884 đến 1885, số quán cà phê tăng lên rất nhiều, phố Thợ Khảm có các hiệu Café du Commerce, Café de Paris, Café Albin, Café de la Place, Café Block. Nhưng sớm nhất và nổi tiếng nhất là Café de Beira”. Nếu Café du Commerce dành riêng cho các thương gia thì Beira là nơi hội tụ của các sỹ quan. Chủ quán Beira là người có tuổi, trước khi nghỉ hưu bà này bán căng tin trong quân đội.

Cà phê được đưa từ Pháp sang và cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, uống cà phê cũng chỉ là người Pháp. Thời kỳ này các quan triều Nguyễn trên đất Bắc Kỳ, dù hằng ngày phải tiếp xúc với đám sỹ quan Pháp nhưng theo báo Tương lai Bắc Kỳ thì "họ vẫn còn xa lạ với thứ nước uống màu đen như nước cống và có vị đăng đắng". Trước đó, khi nhà Nguyễn dâng 6 tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, một số nhà tư bản bắt đầu đưa cây cà phê vào trồng trên vùng đất ba-zan ở Tây Nguyên vào năm 1870. Năm 1887, cũng người Pháp đưa cây cà phê vào trồng ở In-đô-nê-xi-a. Như vậy, Việt Nam là nước uống cà phê cũng như trồng cây cà phê sớm nhất Đông Nam Á. Thế nhưng ai là người Hà Nội đầu tiên uống cà phê và quán cà phê đầu tiên ở Hà Nội do người Việt mở thì không thấy sách nào nói đến. Chỉ biết chắc chắn rằng, đầu thế kỷ XX, người Hà Nội mới làm quen và uống cà phê nhưng chủ yếu là giới trí thức.

Trên thế giới có 5 kiểu pha cà phê. Mỹ, Đức, Thụy Sỹ pha cà phê bằng cách cho nước sôi chảy qua túi lọc; I-ta-li-a thì cho nước bị ép dưới áp suất cao rồi mới chảy qua bột cà phê. Còn người Pháp nghĩ ra kiểu pha bằng phin, giống như hiện có ở các quán ngày nay từ năm 1822. Tuy cùng có xuất xứ từ Pháp, nhưng lại có sự khác nhau giữa cà phê Hà Nội và cà phê Sài Gòn. Thời Pháp cai trị, cà phê Sài Gòn chia ra làm hai loại: cà phê bình dân và cà phê cao cấp, trong khi Hà Nội chỉ có một loại. Chủ các quán cà phê bình dân ở Sài Gòn phần lớn do người Hoa gốc Quảng Đông (ở Sài Gòn giữa thế kỷ XIX có hẳn một phố tên là Quảng Đông), song cà phê vẫn chỉ là thứ phụ lẫn trong các thứ ăn buổi sáng. Người lao động sau khi ăn sáng xong làm một cốc cà phê pha sẵn rồi bắt đầu công việc, nên cà phê được pha trong tất hay trong vợt. Nghĩa là cà phê cho vào trong chiếc tất (miền Nam gọi là vớ), sau đó dội nước sôi qua chiếc tất này nhiều lần cho đến khi người pha cảm thấy được thì thôi. Có quán cho cà phê bột vào trong chiếc vợt rồi ngâm vào nước sôi. Hai cách pha này giúp cho quán đáp ứng cho lượng khách uống cấp tập vào buổi sáng. Cả hai kiểu vẫn còn được duy trì cho hiện nay. Trong khi đó, cà phê ở Hà Nội từ thời Tây đều pha bằng phin. Một số quán đông khách thì họ đặt thợ Hàng Thiếc làm các phin lớn bằng nhôm. Nét đặc thù của cà phê Hà Nội là dân mê thứ nước màu nâu có vị đắng này đa phần là trí thức, những người buôn bán khá giả. Người lao động chủ yếu uống nước chè. Chè vừa là thức uống truyền thống lại vừa là thứ chữa bệnh theo quan niệm của Đông y nên họ không hứng thú với cà phê.

Từ cà phê, dân nhiều nước trên thế giới đã pha trộn thêm sô-cô-la, sữa, chút rượu, kem... tạo ra trên 100 loại sản phẩm đáp ứng khẩu vị của các vùng, miền khác nhau. Trong hơn 100 sản phẩm ấy thì Hà Nội góp một thứ thuộc loại độc đáo là cà phê trứng. Người sáng tạo ra cà phê trứng chính là cụ Giảng. Cà phê đen cho vào cái cốc nhỏ, thêm một chút sữa, một chút đường và chỉ lấy lòng đỏ trứng gà (phải là trứng gà ta); sau đó đánh bằng đũa tre (đầu đũa có 6 nan làm thành hình quả trám), đánh cho đến khi nào bọt bông màu nâu lên đến miệng cốc tỏa mùi thơm lừng thì mới mang ra cho khách. Uống cà phê trứng thật hấp dẫn vì có "tam vị, nhị mùi" (vị béo của sữa, vị ngọt của đường, vị đắng của cà phê và mùi thơm của trứng gà, mùi thơm của cà phê). Những năm 40 thế kỷ trước, cụ Giảng là nhân viên bar trong khách sạn Metropole Hà Nội chuyên pha cà phê. Tuy nhiên, cụ lại pha theo kiểu Pháp, tức là cà phê pha rất loãng, đường và sữa tươi để ngoài. Ai thích uống ngọt vừa hay ngọt sắc hoặc sữa thì cho đường, sữa tùy ý. Nghỉ việc, cụ về nhà mở quán ở phố Cầu Gỗ và pha theo kiểu của riêng mình. Cụ tự mua cà phê nhân và rang rồi xay lấy. Cụ không xay cà phê quá mịn nên khi pha bằng phin, không bao giờ bị tắc.

Nguyễn Ngọc Tiến
Theo: Hà Nội Mới Online

Không gian cà phê thư phòng

Sài Gòn có nhiều không gian cà phê sách. Nhưng ở những nơi đó, giá sách có khi trở thành một thứ làm đỏm, có giá trị trang trí nội thất hơn phục vụ. thoả mãn việc đọc; ít nhiều gây dị ứng với "dân mọt sách" thứ thiệt. Có cách nào để nghĩ khác về một không gian cà phê dành cho đọc và chia sẻ việc đọc?

Có. Ở đây, những giá sách gỗ được đặt hai bên lối đi, vừa làm chức năng của nó - bài trí sách - vừa là vách ngăn cho những góc ngồi riêng biệt. Giá sách gỗ, bàn ghế gỗ tạo cảm giác mộc mạc, thư thái ấm cúng và thanh nhã. Một mặt tường với những khung kính được thả mành lá sắt có thể lấy ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, đủ rộng thoáng cho việc đọc.

Một điều quan trọng: sách phong phú về lĩnh vực và tương đối có chọn lọc về chất lượng. Một kệ sách dài sát tường với những bảng phân loại các sách "khó nhằn" với những lý thuyết kinh tế triết học, chính trị xã hội, từ văn chương đến tôn giáo, pháp luật đến khoa học... Nhiều đầu sách, giáo trình, tài liệu tham khảo quý giá bằng tiếng Anh, Pháp của các đại học lớn trên được trưng bày phục vụ cho việc tra cứu và tham khảo giới nghiên cứu sinh. Và có thể thấy quá trình sưu tập khá hệ thống, từ những tác phẩm thuộc tủ sách tinh hoa, dẫn nhập trí thức vừa được xuất trong vài năm gần đây mà giới tri thức quan tâm, cho đến những cuốn có tính tư liệu tham khảo được in trong những năm bao cấp...

Ông Trường Giang, giám đốc quán HUB cà phê này cho biết, hiện nay tại đây có khoảng 10.000 bàn sách các loại, kết quả của việc sưu tập trong mười năm. Và lượng sách sẽ được chọn lọc, bổ sung thường xuyên để phục vụ đối tượng sinh viên đến nghiên cứu, tạo không gian tổ chức những sự kiện về xuất bản, mở những bàn tròn học thuật, nói chuyện chuyên đề hay giới thiệu tác phẩm mới, bạn đọc gặp gỡ chuyên gia, tác giả...

Một buổi sáng chủ nhật, những dãy ghế trong quán gần như đầy khách. Nhưng quán vẫn giữ được không khí khá tĩnh lặng. Những câu tán gẫu, cả những tiếng chào hỏi thân mật gần gũi nhưng không ảnh hưởng đến không gian chung. Ở góc cuối thư phòng, một đôi vợ chồng trẻ lật cuốn sách tìm hiểu cách đặt tên cho con. Cách đó một bàn, anh sinh viên trầm lặng dán mắt vào bản tiếng Anh một tác phẩm quan trọng của F.A. Hayek, cạnh một nhân viên ý tưởng đang mở laptop làm việc. Trong khi đó trên một bục nhỏ, một số diễn giả đang giới thiệu, chia sẻ về những cuốn sách làm thay đổi nhận thức và những quyết định trong đời họ.

Ông giám đốc này - một người sinh năm 1978, có tham gia kinh doanh xuất bản đã đứng ra quy tụ 60 người trẻ đồng sáng lập và điều hành HUB cafe - cho biết, nếu nghĩ đến lợi nhuận thì chắc rằng không ai dám mạo hiểm cho một mô hình thư viện cà phê còn quá mới mẻ thế này. Nhưng chủ yếu là cộng hưởng niềm đam mê sách vở mà làm, cũng may là nhiều người trong nhóm đã có công việc, công ty riêng, có thu nhập để nuôi cái không gian này, trước hết chỉ mong tồn tại để mọi người có chỗ lui tới bàn luận sách vở, điều đang thiếu trong đô thị chúng ta.

Một không gian cho văn hoá đọc vừa được tạo ra. Đây là địa chỉ lý tưởng cho những ai vốn tin rằng: sự chia sẻ, mối giao cảm tình thân bên bàn cà phê về chuyện sách vở học thuật có thể góp phần cứu văn chứng "loãng nghĩ" trong nhịp sống đô thị đang ngày càng chất bức và vội!
Nguyễn Vinh
Theo: Sài Gòn Tiếp Thị

Du lịch Panama - Boquete Coffee Tours

Tại Panama, ngoài con kênh đào nổi tiếng nhất thế giới mà chúng ta đều biết là kênh đào Panama, còn có một thứ khác làm nên tên tuổi của nước này đó chính là cà phê.


Panama là nơi sản xuất và xuất cảng cà phê khá nổi tiếng. Với kỳ tích giá đấu thầu chạm mức kỷ lục 50,25 USD/pound (1 pound tương đương 450g) của cà phê Hacienda la Esmeralda Geisha từ những đồn điền của Panama, đã tạo nên những cơn sốt cho giá cà phê thế giới.


Cà phê Panama được trồng nhiều ở thành phố núi Boquete, miền Tây Bắc. Đất nơi đây có nhiều nham thạch của núi lửa và nhiều mưa, rất thích hợp cho cây cà phê Arabica. Việt nam, Brazil, Columbia và nhiều nước khác trồng cà phê robusta. Cây nhỏ, nồng độ mạnh, cần ánh sáng và khoản trống cho nên cà phê được trồng theo hàng lối. Ngược lại, cà phê Arabica cần bóng mát cho nên cây không trồng theo thứ tự dọc ngang nào cả. Chen kẽ giữa những cây cà phê là những loại cây trồng khác như chuối, mít, xoài, đu đủ, ổi hay các loại cây khác.


Tại Boquete - Panama, một số nhà sản xuất cà phê tạo ra những tour du lịch đưa khách vào các trang trại cà phê, tham quan vườn cà phê, nhà máy chế biến... tại các trang trại cà phê Palmira, Kotowa... hay Palo Alto - nơi mà bạn có thể nhìn thấy máy pha cà phê trên 100 tuổi.


Một tour du lịch về cà phê tại Panama sẽ cho bạn khám phá về quy trình từ khi cà phê còn là hạt giống phát triển thành cây, ra hoa, kết trái, cả quá trình cho đến khi pha được một ly cà phê cho bạn thưởng thức.


Và họ tin chắc rằng sau mỗi chuyến du lịch như vậy, những vị khách sẽ không bao giờ nhìn ly cà phê buổi sáng bằng cùng một cách.


Một trong những nơi dịch vụ tour cà phê lâu đời nhất là quán Ruiz. Với hơn 300 hộ trồng cà phê tư nhân liên kết cùng với Ruiz. Nếu bạn ghé thăm Boquete giữa tháng 12 và tháng 4 bạn sẽ có thể nhìn thấy người ta thu hoạch cà phê trong các vườn của Ruiz. Và nếu bạn đến vào giữ tháng 3 và tháng 10, bạn sẽ nhìn thấy người ta xử lý thu cà phê.


Ngoài ra Ruiz cũng cung cấp cho bạn một dịch vụ khác là 1,5 giờ đặc biệt để thử cà phê. Tour này sẽ hướng dẫn cho bạn cách uống cà phê, nhận biết và thử các loại cà phê. Bên cạnh đó còn có "Coffee roastery tour". Một trong những tour họ trình bày về toàn bộ quá trình từ khi cà phê tăng trưởng đến phơi khô. Sau đó, bạn có thể tham gia vào quá trình rang xay cà phê cũng như đóng gói và kết thúc tour bằng một tách cà phê do chính mình pha.


Tham khảo thêm:

Hoàn thành du lịch cà phê

của Café Ruiz Du lịch Intinerary


- Khởi hành từ Habla Ya Language Center

- Đi xe đến nông trường cà phê của Ruiz (15 phút)

- Tham quan và nghe thuyết trình về việc phát triển và thu hoạch cà phê (45 phút)

- Đi xe đến nhà máy (5 phút).

- Trình bày về cà phê chế biến ướt và khô (30 phút)

- Đi xe vào trung tâm lựa cà phê (5 phút)

- Giải thích về các tiêu chí lựa chọn, cách chọn lựa cà phê tốt nhất bằng tay, in túi cà phê và đóng gói (15 phút)

- Đi xe vào nhà máy thứ hai và các quán cà phê (10 phút)

- Trình bày quá trình rang xay, xử lý và tham quan xung quanh các cơ sở rang. Theo dõi và quá trình từ những hát cà phê xanh trở thành một thức uống ngon (30 phút)

- Thảo luận về hương vị cà phê, pha trộn (25 phút)

- Mua các đặc sản cà phê về nhà (5 phút)

- Đi xe quay lại habla Ya Trung tâm Ngôn ngữ (5 phút)

Thuỵ Hy